Doanh nghiệp sản xuất linh kiện ngành cơ khí tận dụng thời cơ, tăng thị phần nội địa

Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ngành cơ khí tại Việt Nam là lĩnh vực khá phát triển, cung ứng sản phẩm tương đối hiệu quả so với các lĩnh vực CNHT khác. Tuy nhiên, ngành CNHT Việt Nam vẫn còn hàng loạt “điểm yếu”, nên sản phẩm cơ khí Việt Nam vẫn khó cạnh tranh trong nước và ngoài nước. Đòi hỏi cần có chính sách mạnh mẽ khuyến khích phát triển sản xuất các loại vật liệu chế tạo và lựa chọn phát triển có trọng điểm các ngành hạ nguồn.

Tăng thị phần nội địa

Hiện nay, cơ khí Việt Nam có thế mạnh tập trung ở ba phân ngành chính, gồm xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy; cơ khí gia dụng và dụng cụ; và ô tô và phụ tùng ô tô. Số liệu thống kê cho thấy, ba phân ngành này chiếm gần tổng số 70% giá trị sản xuất công nghiệp của cơ khí cả nước.

Sản phẩm CNHT ngành cơ khí cung cấp là các loại chi tiết, linh kiện, cụm linh kiện kim loại cho các ngành hạ nguồn. Việt Nam hiện có trên 500 doanh nghiệp sản xuất các loại linh kiện kim loại cung ứng cho các ngành hạ nguồn, chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong số hơn 7.000 doanh nghiệp cơ khí của cả nước. Thị trường chính của các doanh nghiệp trong ngành là các lĩnh vực sản xuất xe máy, máy móc công- nông nghiệp, ô tô.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), thời gian qua, một số sản phẩm cơ khí được sản xuất đạt chất lượng tốt, tương đương với chất lượng sản phẩm của một số quốc gia trong khu vực. Hiện doanh nghiệp sản xuất linh kiện ngành cơ khí trong nước có năng lực khá tốt tại một số lĩnh vực như: Khuôn mẫu các loại, linh kiện cơ khí, dây cáp điện, linh kiện nhựa, cao su kỹ thuật… Thêm vào đó, nhu cầu của thị trường CNHT rất lớn nên nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư để nâng cao năng lực sản xuất, chú trọng phát triển các dòng sản phẩm chất lượng, phục vụ doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), hướng vào xuất khẩu sản phẩm cơ khí.

Linh kiện kim loại sản xuất trong nước hiện đã đáp ứng được 85-90% nhu cầu cho sản xuất xe máy; khoảng 15-40% nhu cầu linh kiện cho sản xuất ô tô (tùy chủng loại xe), khoảng 20% cho sản xuất thiết bị đồng bộ và 40-60% cho sản xuất các loại máy nông nghiệp, máy động lực và 40% cho máy xây dựng. Cung ứng linh kiện kim loại cho các ngành công nghiệp công nghệ cao hiện đáp ứng khoảng 10% nhu cầu.

Công nghiệp sản xuất linh kiện kim loại cho ngành xe máy được đánh giá là tương đối phát triển với năng lực cung ứng đạt mức cao. Do dung lượng thị trường lớn, các doanh nghiệp lắp ráp FDI tại Việt Nam đã kêu gọi được nhiều nhà cung ứng FDI đầu tư theo và xây dựng được quan hệ hợp tác với các nhà cung ứng trong nước. Công nghiệp sản xuất linh kiện kim loại cho máy móc nông nghiệp, máy động lực và máy xây dựng cũng tương đối phát triển với tỷ lệ nội địa hóa khá cao.

Công nghiệp sản xuất linh kiện cơ khí cho ngành ô tô, thiết bị đồng bộ và công nghiệp công nghệ cao hiện còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là do thị trường của các sản phẩm này là các ngành hạ nguồn nêu trên chưa phát triển đủ mạnh để tạo hiệu ứng lan tỏa phát triển CNHT.

Cơ khí chế tạo trong nước hiện nay cũng đã sản xuất, lắp ráp được hầu hết các chủng loại xe ôtô con, xe tải, xe khách; sản xuất xe máy đã có tỷ lệ nội địa hóa 85- 95%, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Một số doanh nghiệp điển hình trong lĩnh vực ô tô như: Vinfast, Thành Công, Thaco. Đáng lưu ý, chỉ trong vòng 21 tháng, Vinfast đã đưa ra thị trường ôtô mang thương hiệu Việt Nam; hay như Thaco, từ cuối năm 2019 đến nay đã xuất khẩu xe bus, xe tải, xe du lịch, sơmi rơmoóc sang Thái Lan, Philippines, Campuchia, Singapore, Myanmar, Nhật Bản, Mỹ… Cơ khí gia công chế tạo có một số doanh nghiệp như: Toyota, Nikon…

Điểm sáng trong ngành cơ khí có thể kể đến là ngành chế tạo thiết bị điện, với việc sản xuất thành công máy biến áp 220kV- 250MVA, vận hành an toàn tại trạm 220kV (Thái Nguyên) đã khẳng định sự trưởng thành vượt bậc của ngành cơ khí điện; đồng thời, làm đối trọng để các hãng nước ngoài bán sản phẩm vào Việt Nam phải giảm giá từ 20%-30% khi đấu thầu tại Việt Nam, góp phần làm giảm nhập siêu cho đất nước.

Trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thời gian qua, chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn vừa là thách thức nhưng cũng lại mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp cơ khí trong nước trong việc tăng thị phần nội địa. Các doanh nghiệp trong ngành đã liên kết lại để hình thành chuỗi cung ứng máy móc Việt Nam với triển vọng phát triển thị trường rất lớn.

Năng lực của doanh nghiệp cơ khí chế tạo trong nước còn kém.

Th trường các sn phm h ngun chính còn kém phát trin

Tuy nhiên, theo nhận định chung của các chuyên gia thì ngành cơ khí Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế; số lượng sản phẩm mang thương hiệu Việt, rõ nét dấu ấn Việt Nam vẫn chưa nhiều. Nhiều doanh nghiệp lớn trong chuỗi cung ứng vẫn coi cơ khí Việt Nam chỉ là sản phẩm phụ trợ. Theo tính toán của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản, khả năng cung ứng vật liệu linh kiện của Việt Nam so với các nước trong khu vực chỉ chiếm 39,6%. Trong khi đó, khả năng cung ứng của Trung Quốc chiếm 59,5%; Malaysia chiếm 49,3%; Indonesia chiếm 44,8% và Thái Lan chiếm 41,7%.

Hàng loạt các vấn đề được coi là “điểm yếu” của CNHT ngành cơ khí, như: thiết bị phần lớn là vạn năng, qua nhiều năm sử dụng đã lạc hậu về tính năng kỹ thuật, độ chính xác kém, thiếu phụ tùng thay thế, thiếu bảo dưỡng định kỳ, thiếu vốn để đầu tư thay thế, đổi mới, nâng cấp. Cơ khí Việt Nam chưa có kinh nghiệm đúc chính xác cao, chưa đúc được những mác thép có chất lượng và độ bền cao. Khâu nhiệt luyện và xử lý chất lượng bề mặt các sản phẩm cơ khí còn yếu đã ảnh hưởng xấu đến chất lượng của các chi tiết thành phẩm. Hiện ngành cơ khí còn thiếu những cơ sở nhiệt luyện tiên tiến. Khâu gia công kim loại bằng cắt gọt vẫn sử dụng đa số các loại máy móc công cụ lạc hậu, thiếu chính xác, phương pháp công nghệ cũ, trình độ tự động hóa thấp… Ngành cơ khí đòi hỏi sự phát triển về nguyên vật liệu, khuôn mẫu, gia công chế tạo chứ không chỉ gia công cắt gọt đơn thuần.

Khó khăn lớn nhất để phát triển sản xuất các loại linh kiện cơ khí ở Việt Nam là hạn chế về nguồn cung ứng vật liệu sản xuất, đặc biệt là thép chế tạo là một cản trở lớn. Các hãng sản xuất sản phẩm cơ khí cuối cùng cũng như doanh nghiệp CNHT vẫn phải nhập khẩu thép chế tạo phục vụ nhu cầu sản xuất linh kiện, thiết bị. Hàng năm, Việt Nam nhập khẩu từ nước ngoài hàng chục tỷ USD trang thiết bị, máy móc, vật tư sản xuất cho toàn ngành kinh tế, bao gồm các ngành sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng hạ tầng, dịch vụ và an ninh, quốc phòng… Mặc dù vậy, ngành cơ khí nội địa Việt Nam lại không có được nhiều thị phần của dung lượng thị trường này. Bên cạnh đó, thị trường các sản phẩm hạ nguồn chính (ô tô, thiết bị đồng bộ, công nghiệp công nghệ cao) còn kém phát triển cũng đã hạn chế khả năng phát triển của lĩnh vực này.

Điều đáng nói là năng lực của doanh nghiệp cơ khí chế tạo trong nước còn kém, phần lớn chưa làm chủ được nguồn vốn, phải đi vay để đầu tư với lãi suất cao và bị ràng buộc bởi các điều kiện bất lợi của nhà tài trợ hay đối tác tài chính; công nghệ lạc hậu, đơn giản, tụt hậu khoảng 2- 3 thế hệ so với các nước trong cùng khu vực. Cùng với đó, sự liên kết và tập hợp của các doanh nghiệp cơ khí còn rất hạn chế, khó hình thành các tập đoàn công nghiệp cơ khí chuyên sâu, mang lại hiệu quả đầu tư.

Trong khó khăn dịch bệnh Covid từ năm 2020, việc đứt gãy chuỗi cung ứng đã tạo cơ hội việc làm cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành cơ khí. Trung tâm Phát triển CNHT TP.Hồ Chí Minh cho biết, ứng phó với dịch bệnh Covid-19, bên cạnh các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có nhà máy tại Việt Nam, các nhà sản xuất ở các nước cũng trực tiếp liên hệ với Trung tâm để nhờ hỗ trợ tìm nhà cung cấp và đặt hàng sản xuất. Ít nhất 5 nhà sản xuất với thương hiệu lớn trên thế giới gồm 2 doanh nghiệp Nhật Bản và 2 doanh nghiệp Hàn Quốc đang sản xuất tại Trung Quốc cùng một nhà sản xuất tại Đức đã có đề nghị này. Những doanh nghiệp trên chuyên sản xuất những mặt hàng điện tử gia dụng, máy móc công nghiệp đặt hàng những sản phẩm cơ khí chính xác, linh kiện điện tử, xi mạ… Đây là cơ hội cho các nhà cung cấp, sản xuất các sản phẩm CNHT trong nước phát triển và mở rộng thị trường.

Trong những năm qua, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh hiệu quả hoạt động của 2 Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp miền Bắc và miền Nam để hỗ trợ doanh nghiệp cơ khí, CNHT đào tạo hệ thống quản trị sản xuất, hệ thống quản lý kinh doanh, nâng cao năng lực đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, để thúc đẩy lĩnh vực sản xuất linh kiện cơ khí phát triển, Nhà nước cần có chính sách mạnh mẽ khuyến khích phát triển sản xuất các loại vật liệu chế tạo; đồng thời lựa chọn phát triển có trọng điểm các ngành hạ nguồn đi kèm với khuyến khích phát triển CNHT cho những lĩnh vực đó.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *