Nâng cao tỷ lệ nội địa hoá ngành công nghiệp khuôn mẫu từ giải pháp công nghệ

Ngành khuôn mẫu Việt Nam đang ngày càng có nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ. Nhu cầu về khuôn mẫu cho sản xuất nhựa, cơ khí, chi tiết máy, linh kiện… để nâng cao chất lượng sản phẩm là rất lớn, giúp doanh nghiệp nội địa tăng năng lực tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chế tạo khuôn mẫu là ngành công nghiệp phụ trợ mang tính chất nền móng cho sự phát triển công nghiệp hiện đại. Rất nhiều lĩnh vực công nghiệp sản xuất hiện nay đều có nhu cầu cần đến khuôn mẫu.

Năng lực cạnh tranh thấp

Trên thực tế, ngành khuôn mẫu nước ta đã và đang có sự tăng trưởng rõ rệt qua nhiều năm và đang ngày càng được hiện đại hóa, đổi mới và tiến bộ không ngừng.

Theo số liệu thống kê của Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ – Bộ Khoa học Công nghệ công bố, giá trị của ngành công nghiệp khuôn mẫu tại Việt Nam ước chừng 1 tỷ USD/năm, với tỷ lệ tăng trưởng 18%/năm. Các công ty khuôn mẫu Việt Nam chủ yếu tập trung tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, đây cũng là hai trung tâm kinh tế lớn, tập trung nhiều doanh nghiệp là khách hàng của ngành khuôn mẫu như nhựa, bao bì, cơ khí… Đáng chú ý, các doanh nghiệp khuôn mẫu Việt Nam chỉ đủ sức sản xuất cấp độ 3, 4, còn nhập khẩu cấp độ 1, 2. Trong số sản phẩm sản xuất được, chỉ có khoảng 8,5% khuôn ép, còn lại là khuôn dập.

Tại Việt Nam hiện có 355 doanh nghiệp FDI đang đầu tư sản xuất khuôn mẫu để phục vụ các tập đoàn quốc tế như Samsung, Huyndai, Toyota, Canon, v.v… Trong một số ngành công nghiệp như thiết bị điện tử cao cấp, hàng không… Việt Nam vẫn phải nhập khẩu các khuôn mẫu công nghệ cao từ Nhật Bản và Malaysia mà trong nước không thể tự sản xuất được.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, ngành chế tạo khuôn mẫu nước ta đã có sự chuyển biến tích cực, song vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế làm ảnh hưởng tới tốc độ phát triển. Trong đó, hạn chế về năng lực công nghệ, thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những khó khăn mà các doanh nghiệp ngành cơ khí khuôn mẫu hiện nay đang phải đối mặt.

Nhiều doanh nghiệp chưa đầu tư bài bản và đồng bộ nên có những khuôn mẫu khá đơn giản cũng chưa thể sản xuất được. Như cản trước của xe hơi, nhìn thì dễ nhưng phải có máy móc và nguyên liệu an toàn song song với quy trình sản xuất, thiết kế, mua nguyên liệu và phụ liệu…

Công nghệ chế tạo khuôn mẫu còn chuyển giao chậm, thiếu đồng bộ trong đầu tư máy móc, trang thiết bị, dẫn đến sự chồng chéo giữa công nghệ mới cũ, gây ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất. Các doanh nghiệp sản xuất khuôn mẫu trong nước hiện đa phần hoạt động ở tình trạng khép kín, không có sự phối hợp, liên kết với nhau để thiết kế và sản xuất chuyên sâu một hoặc một số mặt hàng cùng chủng loại, nên dù đã có những đơn vị đầu tư một số dây chuyền công nghệ tương đối hiện đại, nhưng còn có sự trùng lặp khiến nguồn lực bị phân tán. Cũng do sản xuất nhỏ lẻ nên ngay cả thép hợp kim được nhập khẩu để làm khuôn mẫu cũng có giá thành rất cao. Điều này giải thích vì sao chi phí sản xuất khuôn mẫu của các doanh nghiệp Việt Nam luôn cao, dẫn đến hiệu quả sản xuất, cũng như năng lực cạnh tranh bị hạn chế.

Bên cạnh đó, công nghệ cũng là yếu tố có ảnh hưởng đến trình độ nhân lực, tác động không nhỏ đến sự phát triển của doanh nghiệp.

Tập trung đầu tư và phát triển công nghệ

Nhu cầu về khuôn mẫu cho sản xuất nhựa, cơ khí, chi tiết máy, linh kiện… để nâng cao chất lượng sản phẩm là rất lớn, giúp doanh nghiệp nội địa tăng năng lực tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó, công nghiệp khuôn mẫu đang là ngành thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định, hiện nay sản xuất khuôn mẫu đang phát triển theo hướng tập trung đầu tư và phát triển công nghệ. Với khả năng tạo ra sản phẩm với số lượng lớn, thời gian sản xuất ngắn, và mức độ ổn định cao, các sản phẩm khuôn mẫu là công cụ không thể thiếu trong rất nhiều ngành sản xuất công nghiệp, từ các sản phẩm đồ gia dụng đến các sản phẩm hàng không và điện tử hiện đại.

Trên thế giới, công nghệ chế tạo khuôn mẫu gần như đã hoàn chỉnh cho các loại khuôn dập liên hợp, khuôn dập vuốt và khuôn dùng cho công nghệ ép phun nhựa. Trong công nghiệp ô tô, các doanh nghiệp đã ứng dụng rộng rãi các loại khuôn này để chế tạo chi tiết thân xe, thùng xe và các chi tiết nội ngoại thất. Đặc biệt, trong ngành công nghiệp chế tạo khuôn mẫu hiện đại, công nghệ CAD/CAM/CNC cùng nhiều công cụ phần mềm hiện đại đã được ứng dụng, giúp nhanh chóng chuyển đổi từ phương thức sản xuất truyền thống sang sản xuất công nghệ. Như vậy, để nhanh chóng nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, giúp nâng cao sức cạnh tranh của ngành công nghiệp khuôn mẫu Việt Nam trong khối ASEAN nói riêng, thế giới nói chung thì việc nghiên cứu, làm chủ các công nghệ tiên tiến, từ đó chủ động thiết kế, chế tạo khuôn mẫu ở trong nước là rất cần thiết.

Ngành công nghiệp chế tạo khuôn mẫu có tính tự động hóa cao, yêu cầu kỹ thuật phức tạp và độ chính xác cao. Vì vậy, nó đòi hỏi trình độ nhân lực cao hơn rất nhiều. Theo ông Nguyễn Văn Trí – Giám đốc Công ty TNHH Lập Phúc, yêu cầu ngành cơ khí khuôn mẫu là thời gian nhanh nên đòi hỏi doanh nghiệp phải có đội ngũ thiết kế mạnh, nguồn lực gia công phải tinh nhuệ để có thể tập trung thiết kế, chế tạo trong thời gian ngắn. Vì vậy, nguồn nhân lực chất lượng cao vô cùng quan trọng đối với các doanh nghiệp cơ khí khuôn mẫu.

Nhà nước với vai trò “người đỡ đầu” cho ngành công nghiệp khuôn mẫu cần nắm bắt, xây dựng và triển khai lộ trình phát triển cụ thể rõ ràng. Từ đó, giúp cho công cuộc chuyển giao công nghệ hiện đại ngày càng được thực hiện nhanh và hiệu quả.

Các doanh nghiệp sản xuất khuôn mẫu là chủ thể trong quá trình phát triển cần chủ động lên kế hoạch, hướng phát triển phù hợp tình hình thực tế, đảm bảo nâng cao trình độ nguồn nhân lực sản xuất và chuyển giao công nghệ mới.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *